Khế có hai loại là khế ngọt, khế chua, mỗi loại đều được chế biến thành các món ăn thức uống hàng ngày, nhất là mùa hè, nắng nóng. Khế còn là vị thuốc được sử dụng trong đông dược để chữa trị một số bệnh trong dân gian. Nồi canh cá nấu chua ắt hẳn không thể thiếu khế, khế nấu chua làm cho món ăn vừa có vị chua thanh, hấp dẫn, bên cạnh đó còn có giá trị thanh nhiệt, khế kho cá là món ăn làm “sạch nồi cơm” kể cả những người kén ăn như trẻ nhỏ…
Trên phương diện khoa học cho thấy trong khế có khá nhiều chất có tác dụng tốt cho sức khỏe như các vitamin C, vitamin B, khế còn có thể cung cấp năng lượng tuy không nhiều, cung cấp chất sơ giúp tiêu hóa thuận tiện. Lá khế còn có tác dụng chữa viêm họng và một số công dụng khác đã được các thầy thuốc đông y sử dụng có hiệu quả đối với bệnh nhân.
Bên cạnh những tác dụng có lợi của khế, trong khế còn có một chất không có lợi, thậm chí nguy hiểm cho người khi bị một số bệnh. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số chất có trong khế có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe để mọi người lưu ý khi sử dụng khế làm thức ăn, đồ uống.
Đầu tiên trong khế có nhiều axít hữu cơ khác nhau nhưng nhiều nhất là axít oxalic chiếm tới 50-60%. Acid oxalic bị nghi ngờ là tạo ra chất kết tủa oxalate calcium, gây sạn thận và trước đây người ta còn nghi ngờ axít oxalic là nguyên nhân gây ngộ độc cho người bị bệnh thận. Qua quá trình dài nghiên cứu cho thấy chất axít oxalic có trong khế với hàm lượng khá cao dao động từ 100-10.000mg/100g khế. Axít oxalic sẽ tạo nên các tinh thể oxalat là nguyên nhân làm nên tình trạng sỏi thận.
Mặc dù acid oxalic được xem là nguyên liệu để “bào chế” ra những viên sạn (oxalate) ở thận hay bàng quang... nhưng đó không phải là nguyên nhân chính gây sạn thận. Oxalate có kích thước rất nhỏ, nên bị đào thải qua phân và đường tiểu, ngoại trừ một số ít trường hợp bị vướng víu trong thận, bàng quang, và lớn dần thành sạn. Nhưng dù sao đi nữa ở những người có nghi ngờ bị sỏi thận thì nên hạn chế ăn khế, tốt nhất là không ăn khế, nên nhớ rằng axít oxalic có trong khế chua nhiều hơn khế ngọt.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là trong khế có một loại axít amin có tên là Caramboxin. Năm 2013, nhờ công trình nghiên cứu của Đại học Sao Paulo (Brazil) tìm ra được một chất và đặt tên là caramboxin. Caramboxin là một acid amin, mặc dù caramboxin là acid amin, nhưng nó không dính líu gì tới thành phần protein của động vật. Người ta xem caramboxin là một độc tố thần kinh, những người bị suy thận, phải chạy thận (nhân tạo) có thể bị ngộ độc sau khi ăn khế, với các triệu chứng nấc cụt, nôn mửa, co giật, động kinh, tâm thần hoảng loạn…
Một số trường hợp tử vong do ăn khế ở những người suy thận đã được ghi nhận. Mới đây nhất một bệnh nhân 70 tuổi bị suy thận ăn 4 quả khế đã bị ngộ độc dẫn đến hôn mê sâu xảy ra ở Đồng Nai hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy là lời cảnh báo ngộ độc khế do caramboxin.
Vì vậy, những người bị bệnh thận, suy thận, đang chạy thận... nên tránh ăn khế. Kể cả những người bị sạn thận cũng không nên “thách thức” acid oxalic trong khế, vì với hàm lượng cao oxalic như thế, sỏi thận dễ tái phát. Khế còn có thể tương tác bất lợi với một số loại thuốc điều trị, cản trở hấp thu thuốc ở ruột.
Với thông điệp ăn uống cần lựa chọn ăn cái gì, uống cái gì để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong mùa nắng nóng như hiện nay, những người có bệnh lý mãn tính cần tham vấn thầy thuốc để có chế độ điều trị, dinh dưỡng hợp lý.
THÀNH CHUNG
- TUẦN LỄ THẾ GIỚI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ (1 – 7/8/2024)
- Thông điệp Chế biến Thực phẩm An toàn
- Y tế Phú Yên - Thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân 2024
- Phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt ở Phú Yên
- Bữa ăn an toàn trong mùa nắng nóng - Chi cục ATVSTP Phú Yên
Liên kết website
Thống kê truy cập