Màu, mùi, vị của nước về mặt cảm quan, phải được chấp nhận của người dùng.
Bản thân người dùng không thể có đủ kiến thức để biết về chất lượng, độ an toàn của loại nước mà họ đang dùng, tuy nhiên họ thường phán xét chất lượng thông qua cảm nhận về biểu hiện, màu, mùi, vị.
Tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch của tất cả các nước đều có tiêu chí về cảm quản với quy ước thể hiện: “không có mùi vị lạ”, hoặc “được chấp nhận bởi người dùng và không có những thay đổi bất thường”.
Đánh giá về cảm quan thường bao gồm: độ đục, màu sắc, mùi, vị. Nhiều hoá chất, hữu cơ hoặc vô cơ, hiện diện tự nhiên hoặc do ô nhiễm, sự phát triển của một số sinh vật trong nước có thể làm thay đổi biểu hiện của nước. Một số chất trong số này không ảnh hưởng tới sức khoẻ, hoặc nồng độ gây hại cho sức khoẻ vượt xa so với nồng độ có thể cảm quan về màu, mùi, vị. Tuy nhiên sự biến đổi bất thường về cảm quan luôn là một chỉ điểm, cần được cảnh báo, khảo sát sâu hơn về khả năng nhiễm bẩn các chất độc hại, hoặc quá trình xử lý nguồn nước chưa đạt yêu cầu.
Màu: Màu của nước thường do sự hiện diện của các hợp chất hữu cơ (chủ yếu là các axit humic, fulvic) từ đất. Sự hiện diện nhiều sắt và một số kim loại khác có thể làm cho nước có màu vàng sét, các chất làm bào mòn đường ống cũng làm nước có màu. Sự nhiễm bẩn tự nhiên, nhân tạo đều có thể làm thay đổi màu nước. Ngưỡng phát hiện cảm quan về màu khoảng 15 TCU. Không có giá trị hướng dẫn đối với chỉ số màu.
Mùi, vị: Mùi vị lạ của nước có thể do ô nhiễm các hoá chất (hữu cơ hoặc vô cơ) tự nhiên, hoá chất tổng hợp, từ hoạt động của các vi sinh vật trong nước, hoặc do sự phát triển của vi sinh vật trong các hồ, bể chứa nước.
Actinomycetes (xạ khuẩn) và nấm: Xạ khuẩn và nấm có thể hiện diện trong nước mặt, hồ chứa, chúng cũng có thể phát triển trong hệ thống phân phối nước. Chúng có thể tạo geosmin, 2-methyl isoborneol và các chất khác gây mùi, vị rêu mốc khó chịu.
Cyanobacteria (tảo lam) và tảo: Tảo lam là một loại vi khuẩn quang hợp hiện diện tự nhiên trong nước bề mặt với mức độ từ thấp đến trung bình; các tác động làm giàu nguồn nitơ, phospho trong nước có thể làm gia tăng sự phát triển của tảo lam. Một số loài cyanobacteria sinh độc tố, gọi là cyanotoxin. Các giống tảo lam phổ biến gồm Anabaena, Aphanizomenon, Cylindrospermopsis, Lyngbya, Microcystis, Oscillatoria, Phormidium và Planktothrix.
Các loài tảo lam khác nhau có thể phát triển ở các tầng nước khác nhau tuỳ điều kiện môi trường mà chúng thích nghi: dinh dưỡng, ánh sáng, nhiệt độ.
Tảo lam tạo ra nhiều chất có hoạt tính sinh học, một số có thể gây độc. Hầu hết (~ 75%) các loài tảo tạo hiện tượng nở hoa trên bề mặt nước đều sinh độc tố. Một số loài tầng đáy cũng sinh độc tố.
Cyanotoxin có gây độc tính cấp gồm: rối loạn tiêu hoá, sốt, kích thích da, mắt, họng, đường hô hấp trên, gây độc gan, thần kinh; cũng có khả năng kích thích sự phát triển khối u. Cyanobacteria không nhân lên trong cơ thể người nên không có khả năng gây nhiễm trùng.
Một số loài tảo như Anabaena, Phormidium and Planktothrix có thể sản sinh một số chất, như geosmin và 2-methylisoborneol, làm cho nước có mùi rêu mốc khó chịu, nhưng vô hại. Mặc dù một số loài vi sinh vật khác như actinomycetes cũng sản sinh geosmin và 2-methylisoborneol, nhưng cyanobacteria được xem là nguồn chủ yếu của các chất này trong nước. Mùi ẩm mốc cũng là chỉ điểm cho khả năng hiện diện đồng thời cyanobacteria sinh độc tố, nhưng lưu ý, cyanotoxin không gây mùi vị lạ.
Ngưỡng gây mùi vị lạ (của các hợp chất gây mùi) rất thấp, khoảng vài nanogram/lít, thấp xa so với ngưỡng nồng độ của cyanotoxin có thể gây hại cho sức khoẻ. Nhưng ảnh hưởng mùi có thể làm cho người dùng không thể chấp nhận được.
Tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch của Việt Nam hiện nay không có chỉ tiêu về cyanotoxin.
Độ đục: Nước đục có thể do ô nhiễm tự nhiên (bùn, đất), các kết tủa hoá học (sắt, mangan), các hạt hữu cơ, vi sinh vật. Nước đục có thể do chất lượng tự nhiên và cũng do quá trình xử lý chưa đạt. Nước đục làm ảnh hưởng sinh hoạt và làm giảm hiệu quả của việc khử nhiễm. Ngưỡng cảm quan về độ đục khoảng 4 NTU.
Độ cứng của nước do sự hoà tan của các ion á kim đa hoá trị, chủ yếu là canxi và magiê. Nước có độ cứng cao làm hao tốn xà phòng khi giặt quần áo, đóng cặn dụng cụ đun nấu. Đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng về các nồng độ tối đa hay tối thiểu các khoáng chất trong nước có tác động lợi hại đối với sức khoẻ.
BS Đoàn Văn Hải
- TUẦN LỄ THẾ GIỚI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ (1 – 7/8/2024)
- Thông điệp Chế biến Thực phẩm An toàn
- Y tế Phú Yên - Thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân 2024
- Phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt ở Phú Yên
- Bữa ăn an toàn trong mùa nắng nóng - Chi cục ATVSTP Phú Yên
Liên kết website
Thống kê truy cập