Bệnh Bạch hầu (BH) căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong từ 5-7% có vùng lên đến 20%, bệnh do vi khuẩn Corynebacterium diphteriae gây nên, vi khuẩn này có 3 týp là Gravis, Mitis và Intemedius.
Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.
Bệnh khởi phát cấp tính và các đặc điểm chính là đau họng, sốt và sưng hạch ở cổ. Độc tố bạch hầu làm cho màng mô chết đi và tích tụ trên cổ họng và amidan, khiến việc thở và nuốt trở nên khó khăn.
Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.
Bệnh BH đã có vác xin phòng bệnh, chính nhờ đó hàng chục năm nay bệnh BH rất ít xảy ra, vài năm gần đây bệnh xuất hiện lẽ tẻ ở một vài địa phương với số ca bệnh ít. Đây chính là hiệu quả của công tác tiêm chủng mở rộng mà chúng ta đã triển khai hàng chục năm qua.
Tuy nhiên trong những tháng gần đây bệnh bạch hầu đã xuất hiện ở một số tỉnh và tốc độ lây lan rất nhanh đã và đang đe dọa bùng phát dịch trên diện rộng. Tính từ đầu năm đến nay bạch hầu đã xuất hiện ở 5 tỉnh là Dak lak, Gia lai, Con tum, Dak Nông và gần đây nhất là Quảng Trị. Tổng số ca bệnh tính đến thời điểm này là 64 ca, trong đó có 3 ca tử vong. Đây chính là tiếng chuông báo động trước nguy cơ bùng phát trên diện rộng của căn bệnh nguy hiểm này. Đáng lo hơn theo thông tin cập nhật trên phương tiện thông tin đại chúng, ca bệnh mới nhất là một bệnh nhân ở huyện Vĩnh linh, tỉnh Quảng trị, bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ rỏ ràng, không tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh vì vậy vấn đề truy vết tìm nguồn lây, cách ly, bao vây và không chế dịch hết sức khó khăn.
Ở tỉnh ta tính đến thời điểm này chưa có ca bệnh nghi ngở, nhưng chúng ta không được chủ quan, nhất là khi tỉnh ta có ranh giới giáp với các tỉnh có dịch, hơn nữa sự giao lưu của người dân trở nên thuận lợi giữa các vùng thi nguy cơ xuất hiện ca bệnh là không nhỏ. Mặc dầu chưa có ca bệnh nhưng ngay từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở các tỉnh Tây Nguyên, ngành Y tế Phú Yên đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt phòng chống, chỉ đạo các địa phương thực hiện triệt để khuyến cáo của Bộ Y tế, tổ chức các lớp tập huấn cho cả hệ Y tế dự phòng và hệ điều trị, chuẩn bị nguồn lực sẳn sàng thu nhận bệnh nhân, khoanh vùng, cách ly và dập dịch.
Tuy nhiên để phòng chống dịch bệnh BH có hiệu quả, vai trò của người dân là hết sức quan trọng, có tính quyết định điều này được chứng minh qua phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch do vi rút SARS-CoV-2 nói riêng.
Thuận lợi trong phòng chống BH là đã có vác xin dự phòng, bệnh do vi khuẩn nên đã có kháng sinh điều trị đặc hiệu, hơn nữa tốc độ lây của BH không nhanh, mạnh như SARS-CoV-2, nên nếu mỗi người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống mà ngành Y tế khuyến cáo chắc chắn chúng ta sẽ không để dịch bệnh xảy ra.
Trước hết đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, rà soát lại tỷ lệ tiêm chủng, đối với các đối tượng nguy cơ. Hơn nữa theo năm tháng kháng thể chống bạch hầu trong cơ thể giảm nên nếu người tiếp xúc với nguồn lây cũng có thể bị mắc bệnh mặc dầu trước đây họ đã được tiêm chủng. Vì vậy hiện nay Bộ Y tế đã triển khai tiêm chủng bổ sung vác xin Td (phòng chống uốn ván và bạch hầu) cho trẻ trên 7 tuổi ở 35 tỉnh thành trong cả nước.
Bên cạnh đó cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường vi BH lây trực tiếp qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với các đồ chơi, vật dụng có dính chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Vì vậy biện pháp bảo vệ đường hô hấp như tránh tiếp xúc với những người có yếu tố nguy cơ, đồ chơi, vật dụng, đồ dùng cá nhân phải đảm bảo sạch sẽ nhất là trường học, nhà mẫu giáo, nhà trẻ.
Với đặc tính của vi khuẩn bạch hầu dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp vi khuẩn bạch hầu sẽ bị chết sau vài giờ; dưới ánh sáng khuyếch tán vi khuẩn bạch hầu sẽ bị têu diệt sau vài ngày; ở nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn bạch hầu sống chỉ được 10 phút; ở môi trường phê nol (phenol) 1% và cồn 60 độ vi khuẩn bạch hầu chỉ sống được 1 phút.
Dựa vào đặc điểm này của vi khuẩn bạch hầu mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi công đồng dân cư chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống tùy theo điều kiện của mình.
Với khẩu hiệu hãy tiêm chủng đầy đủ, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường tốt, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng chống bạch hầu thì chắc chắn bệnh bạch hầu sẽ không xảy ra.
BS Nguyễn Vinh Quang
- TUẦN LỄ THẾ GIỚI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ (1 – 7/8/2024)
- Thông điệp Chế biến Thực phẩm An toàn
- Y tế Phú Yên - Thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân 2024
- Phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt ở Phú Yên
- Bữa ăn an toàn trong mùa nắng nóng - Chi cục ATVSTP Phú Yên
Liên kết website
Thống kê truy cập