Hiện nay vắc xin phòng viêm gan siêu vi B (vắc xin HBV) đã là 1 trong 8 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ em dưới 1 tuổi. (Vắc xin HBV được kết hợp trong loại vắc xin 5 trong 1, một mũi ngừa 5 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm màng não do Haemophilus influenza b). Vắc xin HBV tiêm theo yêu cầu cũng sẵn có tại nhiều điểm tiêm phòng dịch vụ.
Một câu hỏi thường được nêu là, sau khi tiêm đủ liều vắc xin HBV, thời gian bảo vệ (có đáp ứng miễn dịch) kéo dài được bao lâu? Trẻ em sau khi được tiêm phòng đủ liều trong chương trình TCMR, có cần tiêm mũi nhắc lại, và tiêm khi nào?
Cần biết, trong chương trình TCMR quốc gia hiện nay không có khuyến cáo cụ thể về mũi tiêm nhắc lại cho trẻ em sau khi được tiêm chủng đủ liều.
Nhiều bằng chứng khoa học gần đây đã chứng minh: việc tiêm nhắc lại vắc xin HBV là không cần thiết. Hãy cùng nhau điểm qua một số các bằng chứng khoa học đó.
Vài kiến thức cơ bản: bằng chứng về đáp ứng miễn dịch bảo vệ sau tiêm phòng vắc xin HBV là lượng kháng thể đo được trong máu, gọi là Anti-HBs. Một người được gọi là có đủ miễn dịch bảo vệ khi nồng độ Anti-HBs ≥ 10 mIU/mL (lớn hơn hoặc bằng 10 mili đơn vị quốc tế trong 1 mililit máu). Các xét nghiệm phổ biến hiện nay là các xét nghiệm định tính, sẽ trả lời là Anti-HBs+ (dương tính), tức là có đủ đáp ứng miễn dịch bảo vệ đối với HBV.
Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2003 trên một cộng đồng đã được chủng ngừa HBV từ năm 1981, trong 493 người được đo nồng độ Anti-HBs, có 298 người (60%) có mức anti-HBs ≥10 mIU/mL (sau 22 năm chủng ngừa). 493 người đều có HBsAg(-) (không bị nhiễm HBV), nhưng 5 trường hợp (1%) có anti-HBc(+) (bằng chứng đã từng bị nhiễm HBV).
164 người có mức Anti-HBs thấp (<10 mIU/mL) đã được tiêm nhắc lại 1 mũi vắc xin HBV (loại tái tổ hợp), mức Anti-HBs được đo lại ở các thời điểm 10-14 và 30-60 ngày sau tiêm đã cho thấy có 81% (133/164) trường hợp có mức Anti-HBs ≥10 mIU/mL.
Kết quả nghiên cứu ước tính khoảng 92,5% người sau 22 năm chủng ngừa HBV, vẫn còn đáp ứng miễn dịch bảo vệ (thể hiện bằng kết quả Anti-HBs ≥10 mIU/mL hoặc có ký ức miễn dịch, được chứng minh bằng đáp ứng Anti-HBs ≥10 mIU/mL sau mũi tiêm nhắc). Kết quả nghiên cứu cũng chứng tỏ mũi nhắc lại là không cần thiết, vì hơn 80% trường hợp mặc dù có mức Anti-HBs thấp nhưng vẫn có đủ ký ức miễn dịch.
Nghiên cứu tại Iran năm 2004 , trên những trẻ đã được chủng ngừa HBV trước đó 10 năm theo phác đồ 0 - 1,5 – 9 tháng tuổi. Kết quả cho thấy: sau 10 năm 48% (70/146) số trẻ vẫn còn mức Anti-HBs trung bình là 68 mIU/mL. 100% (146) số trẻ đó đều có HBsAg(-), mặc dù trong số đó có 11 trẻ (7,5%) có anti-HBc(+). Nghiên cứu ở thời điểm trước đó sau 5 năm tiêm chủng, cho thấy 82% số trẻ có mức Anti-HBs trung bình là 206 mIU/mL.
70 trẻ có mức Anti-HBs <10 mIU/mL; 24 trẻ có mức Anti-HBs từ 10-50 mIU/mL. 94 trẻ này được tiêm nhắc 1 mũi vắc xin HBV (loại tái tổ hợp), sau 4 tuần mức trung bình Anti-HBs đo được là 576 mIU/mL ở 90 trẻ (96%). Kết quả này chứng tỏ, ký ức miễn dịch vẫn còn tồn tại ở phần lớn trẻ em sau chủng ngừa cơ bản (3 liều) vắc xin HBV.
Nghiên cứu tại Đài Loan , đo anti-HBc, HBsAg, và nồng độ Anti-HBs trước và sau mũi nhắc 15 năm sau khi chủng ngừa cơ bản vắc xin HBV (loại nguồn gốc huyết thanh) ở 2 nhóm trẻ 15 tuổi. Nhóm A gồm 78 trẻ sinh ra từ những bà mẹ HBeAg(+) và đã có mức anti-HBs ≥ 10 mIU/ml trước đó. 30% có Anti-HBs(-) sau 15 năm. Nhóm B gồm 113 trẻ, những trẻ này không được đo nồng độ kháng thể sau tiêm chủng. 62,4% có Anti-HBs (-) sau 15 năm.
Sau một mũi nhắc vắc xin HBV, 2,7% ở nhóm A và 3,3% ở nhóm B Anti-HBs vẫn âm tính. Một mũi nhắc đã làm tăng đáp ứng miễn dịch huyết thanh ở hầu hết các cá thể, thậm chí cả 15 năm sau khi đã được tiêm chủng.
Đáp ứng miễn dịch với mũi nhắc HBV đã được đánh giá ở 872 học sinh trung học có HBsAg(-). Sau khi tiêm, anti-HBs vẫn âm tính ở 29% (158/551) cá thể đã được tiêm chủng vắc xin HBV đủ 4 liều lúc còn nhỏ. Ước đoán có 10% dân số đã không đủ miễn dịch bảo vệ. Tuy nhiên, không có sự gia tăng HBsAg (+) ở những nhóm tuổi được sinh sau chương trình tiêm chủng vắc xin, chứng tỏ không có nguy cơ gia tăng tình trạng nhiễm HBV mạn tính sau chương trình tiêm chủng cho cộng đồng.
Tất cả những dữ liệu trên cho thấy rằng tiêm nhắc lại vắc xin HBV là không cần thiết.
Theo tài liệu của CDC (Trung tâm Kiểm soát bệnh của Mỹ):
30-50% người trưởng thành có hiệu giá Anti-HBs xuống mức <10 mIU/mL sau chủng ngừa HBV 8-10 năm;
Người đã được chủng ngừa HBV, nếu bị nhiễm HBV cũng sẽ kích thích đáp ứng miễn đủ để ngăn ngừa bệnh viêm gan B;
Ký ức miễn dịch sau chủng ngừa HBV kéo dài ít nhất 20 năm;
Viêm gan mạn do HBV hiếm khi xảy ra ở những người có đủ miễn dịch bảo vệ sau tiêm phòng;
Không khuyến cáo việc tiêm nhắc lại vắc xin phòng HBV.
Về xét nghiệm đáp ứng miễn dịch, test Anti-HBs, theo tài liệu của CDC và WHO (Tổ chức Y tế thế giới)1:
Test Anti-HBs nên thực hiện 1-2 tháng sau phác đồ tiêm 3 mũi HBV. Gọi là đạt đủ đáp ứng miễn dịch khi nồng độ Anti-HBs ≥10 mIU/mL.
Không cần tiêm mũi nhắc hoặc test Anti-HBs thêm nữa.
Nếu test nồng độ anti-HBs <10 mIU/mL (1-2 tháng sau phác đồ đầu tiên: 3 mũi), tiến hành tái chủng lại lượt thứ hai (3 mũi). 1-2 tháng sau test lại Anti-HBs, nếu nồng độ vẫn <10 mIU/mL gọi là người không có đáp ứng miễn dịch bảo vệ với chủng ngừa HBV.
Phác đồ tiêm ngừa HBV trong các nghiên cứu và tài liệu trên đều thực hiện phác đồ cơ bản 3 mũi.
Thực tế hiện nay đã đặt ra một câu hỏi: Một người đã chủng ngừa HBV đủ liều (3 mũi hoặc hơn) cách đây nhiều năm, chưa bao giờ thử Anti-HBs, bây giờ có nên làm xét nghiệm Anti-HBs không ?
Trước hết lưu ý, trong chương trình TCMR không có khuyến cáo cụ thể về việc thử kháng thể (Anti-HBs) cho trẻ em sau tiêm chủng. Xét nghiệm này không sẵn có nhiều năm trước đây, và không có khuyến cáo rõ ràng nào cho việc thử Anti-HBs đối với người đã chủng ngừa HBV.
Với câu hỏi trên, một khuyến cáo chung cho mọi người là không thể, mà phải tuỳ từng trường hợp cụ thể. Theo các chứng cứ khoa học đã nêu, rất nhiều khả năng (~50%), kết quả thử Anti-HBs hiện tại sẽ âm tính, mặc dù bạn (người đã tiêm phòng HBV nhiều năm trước) hoặc trẻ đã được chủng ngừa từ nhỏ vẫn đảm bảo được bảo vệ phòng ngừa HBV và không cần tiêm nhắc lại.
Tuy nhiên, bạn vẫn muốn hoặc được khuyến cáo tiêm nhắc lại 1 mũi vắc xin phòng HBV, cho chắc ! Trong trường hợp được tiêm nhắc, bạn lại nên thử Anti-HBs sau 1 tháng để chắc rằng mình không thuộc nhóm người không có đáp ứng miễn dịch đối với tiêm phòng HBV (khoảng 10%). Cũng lưu ý trước khi tiêm nhắc, muốn đầy đủ, cũng nên xét nghiệm kháng nguyên HBsAg để chắc rằng mình đã không bị nhiễm HBV. Việt Nam trước đây thuộc nhóm nước có tỷ lệ nhiễm HBV (HbsAg +) trong cộng đồng cao: > 8% (hiện nay có thể thấp hơn).
Sẽ có khuyến cáo cụ thể hơn đối với những người làm các nghề nghiệp có nguy cơ cao bị lây nhiễm HBV như nhân viên y tế, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với máu và các dịch cơ thể (nhân viên ở các phòng sinh, phòng mổ, khoa xét nghiệm, khoa nha, giải phẩu bệnh...), những người do tai nạn nghề nghiệp, bị kim hoặc vật sắc nhọn dính máu đâm phải.
Đoàn Văn Hải
- TUẦN LỄ THẾ GIỚI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ (1 – 7/8/2024)
- Thông điệp Chế biến Thực phẩm An toàn
- Y tế Phú Yên - Thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân 2024
- Phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt ở Phú Yên
- Bữa ăn an toàn trong mùa nắng nóng - Chi cục ATVSTP Phú Yên
Liên kết website
Thống kê truy cập