Kế hoạch phát triển y tế năm 2021
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT- XH 5 năm 2021-2025, dự báo đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, ngành y tế tập trung vào một số phương hướng nhiệm vụ sau đây:
1. Mục tiêu
Phát triển hệ thống y tế tỉnh Phú Yên theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương nhằm bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng cao. Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, và chất lượng cuộc sống của người dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận với trình độ trong nước và khu vực.
2. Một số chỉ tiêu y tế cơ bản năm 2021
Phấn đấu đạt một số chỉ tiêu y tế chủ yếu năm 2021 được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 2063/QĐ-UBND ngày 10/12/2020 (chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo).
3. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
3.1. Phấn đấu đạt chỉ tiêu y tế chủ yếu năm 2021 được HĐND tỉnh và UBND tỉnh giao tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
3.2. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện tổ chức mạng lưới Ngành Y tế theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/12015 của Liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ và Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị định 107, 120 của Chính phủ; triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch phát triển Ngành Y tế đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
3.3. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm. Phòng chống dịch bệnh chủ động, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, đặc biệt là kiểm soát tốt dịch COVID-19.
3.4. Tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân: Triển khai các giải pháp đột phá về chuyên môn, cơ chế tài chính, đầu tư cho y tế cơ sở; tăng cường năng lực cho y tế cơ sở; triển khai đề án đào tạo nhân lực y tế vùng khó khăn. Triển khai quản lý sức khỏe toàn dân; các chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng.
3.5. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân hướng tới sự hài lòng của người bệnh: Triển khai tốt việc thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh BHYT. Đẩy mạnh triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa, Đề án Bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Đẩy nhanh việc thực hiện chăm sóc toàn diện đối với người bệnh. Phát huy lợi thế và kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại.
3.6. Triển khai quyết liệt chương trình CCHC, chuyển đổi số ngành y tế với các chương trình như hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh (hồ sơ sức khỏe điện tử, theo dõi, cảnh báo dịch bệnh, ứng dụng cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe…), hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh (khám chữa bệnh trực tuyến, bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…), hệ thống quản trị y tế thông minh (quản lý, điều hành điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thống kê y tế điện tử, cơ sở dữ liệu y tế quốc gia).
3.7. Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cả về chuyên môn nghiệp vụ và y đức. Nâng cao đạo đức ngành Y thông qua việc giáo dục y đức, tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân đối với cán bộ viên chức ngành y, nhất là lớp thầy thuốc trẻ. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, nhân viên y tế.
3.8. Tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện quyền tự chủ, sớm áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như quản trị doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2021 tất cả bệnh viện tuyến tỉnh và khoảng từ 20% - 30% hệ điều trị của các Trung tâm y tế tuyến huyện sẽ tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên.
3.9. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kêu gọi đầu tư để xây dựng các Bệnh viện theo hình thức xã hội hoá theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế; thực hiện các chính sách ưu đãi về đất, tín dụng… để khuyến khích các cơ sở y tế đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
3.10. Phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp mở rộng đối tượng tham gia BHYT, đảm bảo thực hiện tốt lộ trình BHYT toàn dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
3.11. Thực hiện hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tài chính của các nước, các tổ chức quốc tế do tuyến trên triển khai. Tiếp tục tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn viện trợ hợp pháp khác về đầu tư trang thiết bị y tế; nâng cấp sửa chữa và xây mới các trạm y tế có nhu cầu cấp bách.
ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Đối với Bộ, Ngành Trung ương
Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương cần quan tâm đến tình hình thực tế ngành y tế tỉnh Phú Yên nói riêng, cũng như các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm nói chung để có những chính sách tháo gỡ kịp thời cơ chế trong tuyển dụng, đào tạo, phát triển các lĩnh vực đặc thù của vùng. Đồng thời hỗ trợ đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn khoa học kỹ thuật để phát triển ngành, theo các đề án mà địa phương đã trình và các đề án khác. Cụ thể:
- Ưu tiên cho các tỉnh còn khó khăn về ngân sách như Phú Yên được tham gia các dự án ODA, các nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác về hỗ trợ đầu tư cho y tế, đặc biệt là ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở.
- Ưu tiên phân bổ chỉ tiêu đào tạo bác sỹ theo địa chỉ sử dụng cho các tỉnh còn thiếu hụt bác sỹ trầm trọng như Phú Yên, đặc biệt là một số chuyên ngành khó tuyển dụng bác sĩ như: lao, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh,..
- Sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 25/4/2015 của Chính phủ, trong đó quy định rõ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm và cơ chế tự chủ của các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng, dân số, an toàn thực phẩm, các trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã.
- Nghiên cứu ban hành các chính sách, giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích nhóm đối tượng hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.
2. Đối với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh
- Ưu tiên bố trí dự toán ngân sách năm 2021 để triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã do ngân sách nhà nước chi trả theo Nghị quyết 128/2020/QH14 của Quốc hội;
- Bố trí đủ dự toán và bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số khi chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của ngành y tế từ năm 2021 theo nguyên tắc không thấp hơn năm 2020 để bảo đảm tối thiểu các nhiệm vụ chi mua thuốc, vắc xin, sinh phẩm và các nhiệm vụ thường xuyên khác.
- Bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; các đề án, dự án của ngành Y tế.
- Xem xét tăng chi cho y tế sử dụng từ phần kinh phí giảm chi thường xuyên của các bệnh viện (do đã tính tiền lương vào giá dịch vụ KCB), ngoài phần để cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại để tăng chi cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT, chi tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng dịch vụ của y tế địa phương, không điều chuyển sang các lĩnh vực chi khác.
- Có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ y tế ngoài công lập theo pháp lệnh của nhà nước, xây dựng cơ sở vật chất bước đầu tạo tiền đề liên doanh, liên kết, cung cấp những dịch vụ y tế có thu đầy đủ để phát triển ngành y tế công lập cũng như ngoài công lập.
- Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung chính sách thu hút, đào tạo, đãi ngộ bác sỹ, đặc biệt là các bác sỹ làm việc tại các chuyên khoa lao, tâm thần, HIV/AIDS, pháp y.
- Chỉ đạo phối hợp liên ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển về chính sách văn hóa - xã hội - y tế./.
- TUẦN LỄ THẾ GIỚI NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ (1 – 7/8/2024)
- Thông điệp Chế biến Thực phẩm An toàn
- Y tế Phú Yên - Thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân 2024
- Phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt ở Phú Yên
- Bữa ăn an toàn trong mùa nắng nóng - Chi cục ATVSTP Phú Yên
Liên kết website
Thống kê truy cập