Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên, bệnh sốt xuất huyết có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017, nhưng tăng 18,5% so với trung bình của giai đoạn 2011-2015. Đến đầu tháng 7 đã có 421 ca mắc sốt xuất huyết, 18 ổ dịch; Số ca mắc SXHD rải rác khắp các huyện trong toàn tỉnh.
Nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết được xác định là do thời tiết nóng ẩm, mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển trong khi đó người dân chưa chủ động phòng bệnh, công tác tổng vệ sinh diệt bọ gậy triển khai chưa triệt để;
Qua giám sát sơ bộ tại xã Hoà Mỹ Đông (huyện Tây Hoà), khu vực gần đây có ca bệnh sốt xuất huyết gia tăng, Đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại các tỉnh/thành phố trọng điểm của Bộ Y tế tại Phú Yên nhận định: người dân chưa có ý thức tự phòng bệnh Sốt xuất huyết tại cộng đồng, xung quanh nhà dân còn nhiều dụng cụ phế thải như máng gia cầm, phi chứa nước, lọ nước (nuôi gà), hồ chứa nước ... có khả năng chứa nước đọng thuận lợi cho muỗi phát sinh; người dân còn mơ hồ về loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là do muỗi phát sinh ở các ruộng lúa quanh nhà; công tác chỉ đạo phòng chống dịch chưa được chú trọng, sự phối hợp giữa các ban, ngành, hội đoàn thể trong công tác phòng chống dịch còn rời rạc.
Qua kiểm tra mật độ muỗi ở các ổ dịch, và sự gia tăng ổ dịch ở một số nơi cho thấy mật độ bọ gậy cao hơn ngưỡng nguy cơ; bệnh sốt xuất huyết có sự dịch chuyển đến vùng mới (ngoài những vùng trọng điểm đã được xác định)...cho thấy bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát nếu lơ là không vệ sinh môi trường .
Cho đến nay, khoa học đã chứng minh, khác với một số loài muỗi khác, muỗi vằn thường sống trong nhà, gần người. Chúng thường đốt người vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thích đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch và những nơi nước đọng như lốp xe, chậu cây cảnh, dụng cụ phế thải quanh nhà. Các chuyên gia y tế dự phòng cho biết: Bất cứ chỗ nào có đọng nước trong, đây là môi trường phát triển thuận lợi của muỗi, trong vòng 1 tuần thì nơi đó trở thành “tổ” của muỗi vằn gây sốt xuất huyết. Từ trứng muỗi vằn sẽ phát triển thành bọ gậy, quăng, muỗi non và trở thành muỗi trưởng thành. Muỗi cái sau khi nở từ trứng chỉ từ khoảng 5 – 8 ngày sau đã trở thành muỗi trưởng thành và có thể hút máu (chích) người và tìm nơi đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước. Sau từ 1 – 3 ngày, trứng sẽ nở thành bọ gậy, và từ bọ gậy để trở thành quăng thì cần khoảng 5 – 8 ngày. Khoảng 2 – 3 ngày sau, con quăng sẽ thành muỗi non, và tiếp tục chu trình phát triển thành muỗi trưởng thành, đẻ trứng, trứng phát triển thành bọ gậy, quăng, muỗi.
Khi đốt người bị bệnh, vi rút dengue sẽ nhiễm vào tế bào muỗi. Trong thời gian ủ bệnh từ 8-10 ngày, vi rút dengue nhân lên trong cơ thể muỗi và khi đã đạt được đủ số lượng vi rút, chúng có khả năng truyền sang rất nhiều người khác trong cộng đồng thông qua việc đốt (chích) họ. Khi đó, vi rút Dengue sẽ truyền từ cơ thể muỗi qua tuyến nước bọt của muỗi vào máu của người bị đốt.
Bệnh sốt xuất huyếtgây nên triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục, không giảm với thuốc hạ sốt;làm xuất huyết dạng chấm hoặc mảng ở da; khi bệnh trở nặng , người bệnh bứt rứt, vật vã, li bì; Bàn tay, bàn chân lạnh, vã mồ hôi, tím tái;Chảy máu mũi, chân răng, chảy máu đường tiêu hoá bất thường; Nôn ói nhiều, đau bụng nhiều…có thể gây ra các biến chứng nặng, thậm chí tử vong; hiệnnay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.Do đó,
Trung tâm y tế dự phòng tỉnh dự báo trong những tháng cuối năm 2018, tình hình sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục có nguy cơ gia tăng, lan rộng và có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Do đó bên cạnh sự chủ động tăng cường triển khai công tác giám sát dịch tễ học, để phát hiện bệnh sớm, xử lý kịp thời hạn chế tử vong của ngành y tế, lãnh đạo các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Tuyên truyền Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và các mức xử phạt hành chính theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP để người dân hiểu và góp phần phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
N.N