Bệnh dại một căn bệnh hết sức nguy hiểm làm cho nhiều người chết. Mặc dầu bệnh dại đã được y học nghiên cứu tìm ra cơ chế gây bệnh, đường lây và biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh dại vẫn xảy ra làm cho người bệnh tử vong cũng không ít, nguy hiểm của bệnh dại là khi bị bệnh 100% bệnh nhân đều tử vong. Tại sao vậy, đây quả là câu hỏi tưởng chừng như rất dễ, nhưng không có câu trả lời đúng cho căn bệnh nguy hiểm gây dịch này. Hầu hết người dân đều biết bệnh dại là bệnh do vi rút dại gây nên, bệnh truyền nhiễm từ chó, mèo bị dại cắn vi rút dại sẽ qua vết cắn xâm nhập vào máu, đến các cơ quan trong cơ thể đặc biệt tấn công vào hệ thần kinh, gây nên triệu chứng lâm sàng điển hình là trạng thái kích thích tâm thần vận động, cuối cùng là bệnh nhân tử vong. Hiện nay chưa có phương pháp nào điều trị bệnh dại hiệu quả, biện pháp duy nhất là phòng ngừa bệnh dại khi bị chó, mèo nghi dại cắn là tiêm phòng dại.
Trong thời gian qua, hoạt động truyền thông về bệnh dại được tuyên truyền rộng rãi. Bên cạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp như nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm, tư vấn …được triển khai khá đồng bộ và liên tục, nhưng bệnh dại vẫn xảy ra, có nơi nhiều người bị chó dại cắn gây dịch làm cho tử vong. Một số người, vì chủ quan cho rằng chó nhà nuôi từ nhỏ đến lớn cắn nên không vấn đề gì, thậm chí có người làm nghề buôn bán chó thịt, bị chó cắn và tử vong do dại. Có người bị chó con cắn và cho rằng chó con cắn không thể bị bệnh và hậu quả là phát dại và tử vong. Còn nhiều nhiều nữa các trường hợp tử vong vì dại do chủ quan, thiếu hiểu biết và thậm chí còn nghe tin đồn dùng thuốc bắc, thuốc đông…sẽ khỏi phải tiêm ngừa dẫn đến hậu quả đau lòng.
Trong năm 2017, cả nước có 63 trường hợp tử vong do chó dại cắn, 2 tháng đầu năm 2018 có 8 trường hợp tử vong do bị dại. Riêng ở Phú Yên, năm 2017 có 02 trường hợp tử vong do bị dại, hai trường hợp này đều không đến cơ sở y tế để tiêm phòng khi bị chó cắn. Điều đó cho thấy chúng ta không thể chủ quan trước hiểm họa của căn bệnh nguy hiểm này, mỗi người mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư cần chú trọng hơn trong công tác phòng chống bệnh dại.
Cần tuyên truyền hơn nữa về bệnh dại để người dân biết về căn bệnh nguy hiểm này, chú trọng các nội dung chủ yếu sau đây: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra; người mắc bệnh là do chó, mèo mắc dại cắn, vi rút dại qua vết cắn xâm nhập mào máu, đến các cơ quan trong cơ thể đặc biệt là theo các dây thần kinh tấn công mạnh vào hệ thần kinh gây nên tình trạng kích thích tâm thần vận động. (bệnh nhân lên cơn dại có nhiều biểu hiện kích thích, sợ gió, sợ nước, co giật….); Cho đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi bệnh nhân phát dại chắc chắn sẽ tử vong; Biện pháp phòng bệnh duy nhất là không để chó nghi dại cắn và khi bị chó cắn thì cần tiêm vắc xin phòng dại.
Vậy làm thế nào để không bị chó cắn và khi bị chó cắn thì xử trí như thế nào? Trước hết không để cho chó cắn: Điều này tùy thuộc nhiều vào mỗi cá nhân và cả cộng đồng, người nuôi chó phải tuân thủ các quy định về chăn nuôi của cơ quan thú y, phải tiêm chủng cho chó theo quy định; quản lý đàn chó nuôi trong cộng đồng dân cư, nhiều địa phương đã triển khai quản lý đàn chó của mình bằng gắn chíp theo dõi cá thể chó về lý lịch, lịch tiêm chủng…; Các chủ chó khi đưa chó ra ngoài phải mang rọ mõm cho chó; không thả chó chạy rông, nếu để chó chạy rông cơ quan chức năng cần bắt và tiêu hủy đồng thời phạt nặng chủ nuôi như thành phố Hồ Chí Minh đã làm theo quy định của pháp luật.
Khi bị chó cắn, đầu tiên là rửa vết thương bằng nước xà phòng thật sạch và băng vết thương, tốt nhất là đến cơ quan y tế để xử trí vết thương đồng thời phải theo dõi con chó đó trong vòng hai tuần, nếu thấy chó có biểu hiện nghi dại, hoặc chết phải tiêm phòng ngay. Trường hợp không theo dõi được con chó, thì đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời. Tại các cơ sở y tế, nếu thấy vết cắn phức tạp, gần cơ quan thần kinh trung ương thì nên xử trí theo quy định của cơ quan chuyên môn, tiêm vắc xin phòng dại hay vừa tiêm vắc xin vừa tiêm huyết thanh kháng dại.
Tuyệt đối không sử dụng thuốc bắc, thuốc nam…để điều trị bệnh dại nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
“ Đừng để những cái chết thương tâm xảy ra do chủ quan không tiêm ngừa dại khi bị chó cắn”.
Bs. Nguyễn Vinh Quang
GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên