Những nét văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số đang sống tại Phú Yên
Dân tộc Êđê nói tiếng Ma-lay-Po-ly-nê-xi-a, sống thành từng buôn làng trong những ngôi nhà kiểu nhà sàn. Nguồn sống chủ yếu bằng nương rẫy, chăn nuôi, .... Người Êđê có sắc phục đặc sắc. Con trai giản dị, khỏe mạnh, con gái uyển chuyển, duyên dáng. Người Êđê có nền văn học, nghệ thuật giàu có. Văn học có hùng ca, trường ca (Đam san, Đam gi); Ngâm thơ; Kể chuyện; Âm nhạc có Tù và, đàn, chiêng, đồng ca hát đối, hát lễ, hát ru; Múa có múa Xoang, múa Khiên cùng nghệ thuật điêu khắc khá phát triển.
Dân tộc Bana nói tiếng Môn-Khme. Sống thành gia đình lớn gồm nhiều thế hệ trong những ngôi nhà dài 50 - 100m. Nhiều nhà hợp thành buôn, mỗi buôn đều có nhà Rông - Nhà Rông của đồng bào Bana là một công trình kiến trúc độc đáo với những hoa văn trang trí, những tượng người, chim, thú bằng gỗ được chạm khắc rất đẹp. Người Bana sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi cùng với nghề dệt vải, rèn sắt thép, đan lát và hái lượm. Người Bana có kho tàng chuyện cổ tích thần thoại phong phú, đời sống âm nhạc sôi nổi với đủ loại nhạc cụ: chiêng đồng, trống gỗ, đàn T.rưng, kèn, sáo, .... Điệu múa "Rông chiêng" tiêu biểu cho nghệ thuật múa dân gian Bana.
Dân tộc Hrê nói tiếng Môn-Khme. Sống theo từng gia đình nhỏ trên nhà sàn; nguồn sống chính là nông nghiệp. Phụ nữ Hrê thường đeo kiềng bạc có buộc thêm những đồng bạc hoặc những chuỗi cườm bằng bột màu hay hổ phách trên cổ. Ngày Tết, ngày hội đồng bào thường thăm nhau, uống rượu cần, tấu nhạc, kể chuyện và ca hát. Nhạc cụ của người Hrê có bộ cồng 3 chiếc, trống cơm, đàn Bro 8 dây. Mọi người đều biết kể chuyện cổ tích, hát dân ca, hát ví. Trai gái ưa trò chơi khỏe mạnh như: Thi chạy, thi đẩy gậy, ...
Các dân tộc Tày, Nùng có nhiều nét văn hóa giống nhau, người Tày, Nùng nói tiếng Tày-Thái, chữ viết sáng tạo trên cơ sở chữ Hán.