Nghị quyết ĐHĐB tỉnh XVI nhiệm kỳ 2015-2020
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY về đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả (18/05/2016)

TỈNH ỦY PHÚ YÊN

­­­­­­­*

Số 09 - CTr/TU

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM   

Tuy Hòa, ngày 26 tháng 4 năm 2016

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY

về đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên

-----------

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên như sau:

Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ ĐẦU TƯ HẠ TẦNG VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ
VÀO KHU NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO PHÚ YÊN,
GIAI ĐOẠN 2013 -2015

1- Tình hình, kết quả đầu tư, thu hút đầu tư giai đoạn 2013-2015:

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên (Khu Nông nghiệp) có quy mô 460ha, tại xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa được thành lập, hoạt động theo Quyết định số: 2292/QĐ-TTg, ngày 27/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; được phê duyệt là 01 trong 10 khu thuộc Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Từ năm 2004-2013, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông cơ bản, với tổng mức đầu tư 22,9 tỷ đồng. Hiện nay, đang triển khai lập thủ tục đầu tư 02 dự án: Đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Nông nghiệp (giai đoạn 1) và Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên; ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu Nông nghiệp. Đến nay, đã thu hút 07 dự án vào Khu Nông nghiệp, trong đó có 04 dự án đi vào hoạt động sản xuất, 02 dự án đang triển khai lập thủ tục đầu tư và 01 dự án đã có chủ trương đầu tư (Phụ lục 1).

2- Hạn chế, yếu kém và nguyên nhân:

2.1- Hạn chế, yếu kém:

- Công tác xúc tiến đầu tư chưa được chú trọng, hiệu quả còn thấp. Việc huy động, kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác chưa được thực hiện.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước phục vụ sản xuất trong Khu Nông nghiệp.

- Tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa tạo được quỹ đất sạch.

- Công tác chuẩn bị đầu tư và tiến độ triển khai thực hiện các dự án còn chậm so với giấy chứng nhận đầu tư.

2.2- Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém:

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với nhiệm vụ đầu tư, phát triển Khu Nông nghiệp còn thiếu quyết liệt, chưa được tập trung đúng mức.

- Các cơ quan, đơn vị chức năng còn bị động, chưa tham mưu, đề xuất giải pháp đột phá, cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, huy động tối đa các nguồn lực để tham gia đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng Khu Nông nghiệp.

- Nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Nông nghiệp còn quá ít so với nhu cầu, chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực xã hội.

- Việc thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư chưa tốt, nên có trường hợp chọn nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính và kinh nghiệm triển khai dự án; chưa có sự ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư để thúc đẩy tiến độ dự án theo cam kết.

Phần thứ hai
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1- Mục tiêu:

Huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả Khu Nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2020: Xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật trong Khu Nông nghiệp tương đối đồng bộ; thu hút được nhiều nguồn vốn, nhân lực, công nghệ chất lượng cao trong và ngoài nước vào phát triển nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững.

2- Nhiệm vụ và giải pháp:

2.1- Hoàn thiện công tác quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng cơ bản:

- Tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên.

- Hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng như: Khu trung tâm, quản lý, dịch vụ công nghệ cao; khu nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu đào tạo, chuyển giao công nghệ, trình diễn và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu công trình kỹ thuật đầu mối; khu lâm viên, dịch vụ dân sinh và các khu dân cư nông thôn... làm cơ sở xúc tiến, thu hút đầu tư.

- Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thành dự án cơ sở hạ tầng Khu Nông nghiệp - giai đoạn 1, gồm: Hệ thống thủy lợi Lỗ Chài 1, đường giao thông trục chính, trụ sở điều hành, hệ thống xử lý chất thải, một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác và dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên. Hoàn thiện báo cáo đầu tư: Hệ thống Hồ thủy lợi Lỗ Chài 2 và các hạng mục hạ tầng thiết yếu; phòng thí nghiệm; hệ thống nhà màng, nhà lưới và trang thiết bị vào danh mục được Nhà nước đầu tư giai đoạn 2016 - 2020.

- Ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh hàng năm để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho Khu Nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác kêu gọi hợp tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Nông nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp, nhất là hình thức đối tác công tư (PPP).

2.2- Tăng cường liên kết hợp tác và xúc tiến đầu tư:

- Tích cực tham gia hoạt động của Câu lạc bộ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chủ động mở rộng hợp tác với các địa phương, viện, trường, trung tâm công nghệ cao trong công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động Khu Nông nghiệp.

- Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ chế, chính sách, thủ tục, tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; tổ chức hội thảo xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Phấn đấu kêu gọi, xúc tiến hợp tác nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn và sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2.3- Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư:

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù về thuế, đất đai, giải quyết thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút, khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ nhà đầu tư đầu tư vào Khu Nông nghiệp đạt kết quả, như: chính sách hỗ trợ về thời gian nộp tiền thuê đất (cho phép nộp tiền thuê đất thành nhiều kỳ); cho phép nhà đầu tư vừa triển khai đầu tư xây dựng dự án, vừa lập và hoàn chỉnh thủ tục đầu tư nếu nhà đầu tư thực sự có tiềm lực và có yêu cầu. Phấn đấu giảm tối đa thời gian lập thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư.

2.4- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý:

- Kiện toàn các phòng chức năng và đơn vị trực thuộc Ban quản lý Khu Nông nghiệp, đảm bảo năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động này của Tỉnh ủy.

2- Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo việc thể chế hóa nội dung Chương trình hành động; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giám sát đầu tư, thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

3- Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa Chương trình hành động thành các đề án, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp, hiệu quả, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Chương trình hành động của Tỉnh uỷ; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và đề xuất những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện; định kỳ tham mưu Tỉnh ủy sơ, tổng kết việc thực hiện.

4- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn quán triệt, tuyên truyền, phổ biến việc triển khai thực hiện Chương trình này.

 

 

T/M TỈNH ỦY

BÍ THƯ

(Đã ký)

 

Huỳnh Tấn Việt

 

Tin đã đưa

THÔNG TIN CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website